Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ đã triển khai các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại nhiều khu vực trên thế giới. Đây là lý do mà Matxcơva có động thái tương tự.
Quyết định của Nga đánh dấu sự kết thúc của một trong những hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng nhất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Giới quan sát lo ngại hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, Nga và Mỹ, có thể bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, với sự tham gia ngày càng rõ ràng của Trung Quốc.
Cả Nga và Mỹ đều thừa nhận mối quan hệ giữa hai bên hiện đang ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh.
Hai quốc gia này cũng bày tỏ tiếc nuối về sự tan rã của hàng loạt hiệp ước kiểm soát vũ khí, vốn được lập ra để làm chậm lại cuộc chạy đua vũ trang và giảm thiểu nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Trả lời câu hỏi của Hãng thông tấn nhà nước RIA về khả năng Nga rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) trước khi hết hạn vào tháng 2-2026, ông Lavrov khẳng định hiện không có bất kỳ "điều kiện" nào để tiến hành đối thoại chiến lược với Washington.
Nga chính thức rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí châu ÂuKhác ông Trump, ông Biden đồng ý gia hạn kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga"Rõ ràng là lệnh cấm của chúng tôi đối với việc triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn không còn khả thi và sẽ phải bị hủy bỏ", ông Lavrov tuyên bố.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Mỹ đã "phớt lờ một cách ngạo mạn" các cảnh báo từ Nga và Trung Quốc, đồng thời tiếp tục triển khai loại vũ khí này tại nhiều khu vực trên thế giới.
Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), được ký kết bởi nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào năm 1987, là cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên các siêu cường đồng ý cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, đồng thời loại bỏ hoàn toàn một danh mục vũ khí hạt nhân.
Năm 2019, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF với cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận này.
Điện Kremlin liên tục phủ nhận cáo buộc và cho rằng đây chỉ là cái cớ. Sau đó, Nga đã áp đặt lệnh cấm phát triển các loại tên lửa từng bị Hiệp ước INF cấm, bao gồm tên lửa đạn đạo và hành trình mặt đất có tầm bắn từ 500km đến 5.500km.
Mỹ từng chỉ trích Nga phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729, được NATO gọi là SSC-8, và coi đây là lý do để rút khỏi Hiệp ước INF.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đề xuất không triển khai các loại tên lửa này tại vùng Kaliningrad. Tuy nhiên sau khi rời hiệp ước, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm tên lửa có đặc điểm tương tự.
Gần đây, vào ngày 21-11, Nga phóng thử tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung mới có tên Oreshnik vào Ukraine. Ông Putin tuyên bố đây là phản ứng trực tiếp trước các cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa do Mỹ và Anh cung cấp.